BÀI VIẾT TUYÊN TRUYỀN BỆNH DẠI TRONG TRƯỜNG HỌC

1.Biểu hiện và đặc điểm:

          Định nghĩa: Bệnh dại là bệnh nhiễm vi-rút cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thường là nước bọt bị nhiễm vi-rút dại.

Biểu hiện của bệnh:

        – Giai đoạn tiền triệu chứng: kéo dài 1 – 4 ngày, biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tê và đau tại vết thương nơi vi-rút xâm nhập.

        – Giai đoạn viêm não: triệu chứng của bệnh dại thường là mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như: sợ ánh sáng, tiếng động, sợ nước. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp…

       – Bệnh thường kéo dài từ 2 – 6 ngày, đôi khi lâu hơn và chết do liệt cơ hô hấp.

   Đặc điểm: Ở các nước Đông Nam Á, hàng năm tỉ lệ chết vì bệnh dại chiếm 80% trên toàn thế giới. Từ năm 2004 đến nay bệnh Dại tăng lên rõ rệt ở các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam, bệnh Dại lưu hành và phát triển ở hầu hết các tỉnh/thành phố.

2.Phương thức lây truyền:

Bệnh dại được lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách (hoặc qua màng niêm mạc còn nguyên vẹn) vào cơ thể, từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương. Khi đến thần kinh trung ương, vi-rút sinh sản rất nhanh rồi lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt. Tại thời điểm này, thần kinh chưa bị tổn thương đáng kể vì thế nhìn bề ngoài con vật vẫn bình thường nhưng nước bọt đã có vi-rút dại. Sau đó, vi-rút dại hủy hoại dần các tế bào thần kinh làm xuất hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh dại.

                                        Bệnh dại và những điều nên biết(Nguồn: Tổ chức Y tế Thế giới)

 3. Các biện pháp phòng bệnh:

  a/ Biện pháp phòng bệnh chung:

         – Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe: Cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh dại và cách phòng chống bệnh dại, nhất là việc phát hiện súc vật bị bệnh dại, cách xử lý sau khi bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc đến cho phụ huynh học sinh để được khám, tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời.

        – Phổ biến nội dung, biện pháp thực hiện Nghị định 05/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp phòng bệnh bệnh dại ở động vật để học sinh, phụ huynh cũng như thầy cô giáo biết để thực hiện:

        – Thực hiện đăng ký, cấp giấy phép cho chủ nuôi chó, mèo; tiêm vắc-xin dại có hiệu lực cho đàn chó, mèo đạt trên 85% trong quần thể súc vật nuôi.

b/ Xử lý phòng dại sau khi phơi nhiễm:

        Sau khi bị động vật mang bệnh dại hoặc nghi bị dại tấn công, cần điều trị dự phòng và tiêm phòng dại càng sớm càng tốt sau khi bị phơi nhiễm.

    – Xử lý vết thương:

             Trong vòng 15 phút sau khi bị cắn hoặc cào, cần nhanh chóng xối rửa sạch sẽ triệt để vết thương bằng nước và xà phòng hoặc nước sạch. Sau đó, sát khuẩn vết thương bằng cồn 45 – 70% hoặc cồn i ốt để giảm thiểu và hạn chế sự lây lan của vi-rút dại trong vết thương. Có thể bảo vệ vết thương này bằng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng, dầu gội hoặc dầu tắm.

   – Phác đồ tiêm dại đối với các đối tượng chưa tiêm dự phòng:

          + Thực hiện tiêm 4 mũi vào các ngày 0, ngày 3, ngày 7 và ngày  28.

         + Thực hiện tiêm 5 mũi vào các ngày 0, ngày 3, ngày 7, ngày 14 và ngày 28.

* Lưu ý:

      – Nên tiêm vắc-xin phòng dại càng sớm càng tốt ngay sau khi bị động vật tấn công.

      – Sau ngày tiêm liều đầu tiên vắc-xin dại, không tiêm huyết thanh trễ hơn 7 ngày.

      – Đối với các đối tượng đã tiêm dự phòng trước phơi nhiễm hoặc sau phơi nhiễm ít nhất 3 mũi vắc-xin dại được sản xuất theo công nghệ tế bào.

     – Thực hiện tiêm 2 mũi vào các ngày 0 và ngày thứ 3. 

                                                                                                                       -Bộ phận y tế   –