NGÔI TRƯỜNG MANG TÊN CHÍ SỸ TRẦN VĂN DƯ
***************
(Bài viết gửi Sở GDĐT Quảng Nam in tuyển tập
“Những ngôi trường xứ Quảng”)
NHÀ CHÍ SĨ YÊU NƯỚC TRẦN VĂN DƯ
Trần Văn Dư (1839-1885), nguyên tên là Trần Ngọc Dư, tự là Hoán Nhược, sinh ngày 31-12-1839 (15-11-Kỉ Hợi), tại làng An Mỹ Tây, huyện Hà Đông (sau đổi là phủ Tam Kỳ), tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh).
Xuất thân trong một gia đình Nho học, tuổi trẻ rất hiếu học và thông minh. Năm 19 tuổi đỗ tú tài, 27 tuổi đỗ cử nhân, sau đó được bổ sơ khảo tại kì Hương thí tại Trường thi Bình Định, rồi làm Hành tấu cơ mật viện. Năm Ất Hợi 1875 trong kì thi Hội ông trúng cách và được sắc đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ. Ông từng giữ các chức thừa biện bộ Lại; năm 1876 được cử chức Tri phủ Ninh Giang, Quảng Oai (ở Hải Dương). Tại đây, Ông bí mật liên hệ với các nhà yêu nước, hợp tác với lực lượng của Hoàng Kế Viêm cùng mưu việc đánh Pháp. Tháng 10 (âm lịch) năm 1880, ông được triệu về Huế làm Hàn lâm viện Thị độc, sung chức Giảng tập tại Dục Đức đường. Tháng 4 (âm lịch) năm 1883, cử ông làm Án sát sứ tỉnh Hà Tĩnh. Đến Tháng 11 (âm lịch) năm đó, đổi ông làm Hồng lô Tự khanh Biện lý bộ Lại, sung chức Tham biện Thương bạc sự vụ. Cuối năm 1884, cử ông giữ chức Sơn phòng sứ Quảng Nam.
Tháng 5 năm Ất Dậu (7–1885), cuộc phản công của phe chủ chiến ở Kinh thành Huế thất bại, Phụ chính Tôn Thất Thuyết phải phò vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, xuống dụ Cần vương. Sau khi vua Hàm Nghi xuất bôn, triều Nguyễn nhận thấy việc cử Trần Văn Dư làm Sơn phòng sứ Quảng Nam là điều bất lợi cho “xu thế hợp tác” của họ, nên cử Phó bảng Nguyễn Đình Tựu (nguyên Tế tửu Quốc tử giám ở Huế) ra giữ chức ấy, đồng thời đưa Trần Văn Dư lên làm Bố chánh tỉnh này, nhưng ông từ chối.
Hưởng ứng dụ Cần Vương, Trần Văn Dư cùng với Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Tiểu La, Nguyễn Thành…thành lập Nghĩa hội Quảng Nam do ông làm Thủ hội. Tháng 7 năm Ất Dậu (8–1885), ông thay mặt Nghĩa hội ra Bản Cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh đứng lên chống Pháp; đến tháng 9 năm đó, chia quân ra làm nhiều cánh rồi cùng tiến đánh thành tỉnh La Qua (còn gọi là La Thành, tức thành tỉnh Quảng Nam), buộc Bố chánh Bùi Tiến Tiên, Tuần phủ Nguyễn Ngoạn, Án sát Hà Thúc Quán phải dẫn quân rút chạy. Đến ngày 25-9–1885, quân thủy bộ của Pháp cùng quân Nam triều dưới quyền chỉ huy của tướng Shants, Tiễu phú sứ Nguyễn Thân, Bố chánh Lê Khiết mở cuộc tái chiếm. Trước lực lượng đông đảo và vũ khí tối tân của đối phương, Trần Văn Dư cùng Nguyễn Duy Hiệu quyết định rút đại bộ phận về căn cứ Sơn phòng Dương Yên thuộc miền cao phủ Tam Kỳ. Liên quân tiếp tục truy kích, đến tháng10–1885, thì các căn cứ của Nghĩa hội ở Đại Lộc, Quế Sơn, Tam Kỳ, Dương Yên, An Lâm, Đại Đồng…lần lượt bị vây đánh và thất thủ.
Trước tình thế nguy ngập đó, bộ chỉ huy Nghĩa hội bàn nhau chọn kế “giải binh quy điền” để bảo toàn lực lượng. Tháng 12–1885, Trần Văn Dư giao quyền Thủ hội cho Nguyễn Duy Hiệu để ra Huế gặp vua Đồng Khánh (từng là học trò của ông), nhằm tìm ra một giải pháp. Dọc đường, ông bị quyền Tuần phủ sứ Quảng Nam Châu Đình Kế bắt giữ và báo với quân Pháp. Bất khuất, ông mắng chửi Tuần phủ Kế. Căm tức, viên quan này đã mượn tay quân Pháp để giết chết ông tại góc thành La Qua vào ngày 13-12–1885. Khi ấy, ông mới 46 tuổi.
Hiện nay, phần mộ cụ Trần Văn Dư đã được cải táng về thôn An Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam và đã được công nhận là Di tích Văn hóa-Lịch sử cấp tỉnh.
Ngôi trường mang chí sỹ yêu nước Trần Văn Dư được thành lập theo Quyết định số 47/QĐ-UB ngày 01 tháng 9 năm 2000 của UBND tỉnh Quảng Nam. Ngôi trường của ý Đảng, lòng dân. Trường tọa lạc tại thôn An Mỹ II, xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam đến nay đã hơn 20 năm.
NHỮNG NĂM ĐẦU MỚI THÀNH LẬP
Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên
Năm học đầu tiên (2000-2001), đội ngũ cán bộ quản lí, nhà giáo, nhân viên có 20 người. Trong đó: Hiệu trưởng: Thầy giáo Nguyễn Cư; Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng: Thầy giáo Nguyễn Hữu Thành; Chủ tịch Công đoàn: Thầy giáo Đinh Văn Trinh; Bí thư Đoàn trường: Thầy giáo Nguyễn Thu; giáo viên, nhân viên của nhà trường biên chế thành 3 tổ: Tổ tự nhiên, gồm: Toán, Lý, Hóa, SinhThể dục; Tổ xã hội, gồm: Văn, Ngoại ngữ, Sử, Địa, CDCD; Tổ Hành chính, gồm: Kế toán, giáo vụ, bảo vệ, Thư viện.
Đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên được Sở GDĐT Quảng Nam điều động, thuyên chuyển từ các trường trong tỉnh, Phòng GDĐT Tam Kỳ và giáo viên vừa mới ra trường.
Số lượng giáo viên từng tổ bộ môn: tổ Xã Hội có 8 giáo viên, tổ Tự Nhiên có 7 giáo viên
Cơ sở vật chất
Trường tiến hành giảng dạy khóa đầu tiên vào năm học 2000-2001, lúc bấy giờ sân trường còn hoang sơ, cỏ dại; giáo viên và học sinh dạy – học bên cạnh tường gạch, vôi còn vương vãi. Điều kiện còn rất nhiều thiếu thốn, tạm bợ, mặt bằng phía trước trường chưa được giải tỏa, còn ngổn ngang chuồng lợn, mồ mã chưa được di dời.
Học sinh
Năm học đầu tiên nhà trường có 407 học sinh được chia thành 8 lớp. Địa bàn cư trú rộng, các em đến từ các xã Tam Vinh, Tam Phước, Tam Lộc, Tam Thành, Tam An, Tam Đàn (huyện Phú Ninh), xã Tam Thăng-Tam Kỳ, các xã Bình Quế, Bình Tú, Bình Nam thuộc huyện Thăng Bình. Hoàn cảnh gia đình học sinh phần lớn là con nông dân, ở xa trường nên phải ở trọ nhà dân khá nhiều.
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ TRƯỜNG
Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, trường đã dần dần hoàn thiện:
Về tổ chức, bộ máy
Qua các giai đoạn, tổ chức-bộ máy của nhà trường cũng có sự thay đổi.
* Tổ chức Đảng:
– Từ năm 2000- 2015: Tổ chức Đảng nhà trường sinh hoạt theo mô hình Chi bộ cơ sở.
– Đến tháng 10/2015: Chi bộ nhà trường nâng lên thànhĐảng bộ, theo Quyết định số 52-QĐ/HU ngày 28/10/2015 của Huyện ủy Phú Ninh.
– Vào tháng 8/2021: Trên địa bàn huyện Phú Ninh thành lập mới Trường THPT Võ Nguyên Giáp, cán bộ, giáo viên nhà trường được điều chuyển về trường mới; số đảng viên còn lại là 23 đồng chí, trong đó có 02 đảng viên chuyển sinh hoạt tạm thời. Căn cứ qui định, điều lệ Đảng, Huyện uỷ Phú Ninh đã cho giải thể Đảng bộ và ra Quyết định thành lập Chi bộ Trường THPT Trần Văn Dư vào 01/10/2021.
– Bí thư Chi bộ/Đảng bộ nhà trường qua các giai đoạn:
+ Thầy giáo Nguyễn Hữu Thành- nguyên Phó Hiệu trưởng: Làm Bí thư Chi từ năm 2000-2014.
+ Thầy giáo Phạm Minh Thành-nguyên Hiệu trưởng: Làm Bí thư Chi bộ từ năm 2015-2016; Bí thư Đảng bộ từ 2016-2020.
+ Cô giáo Phan Thị Mỹ Thanh- Hiệu trưởng: Làm Bí thư Chi bộ từ năm 2020 đến nay.
* Tổ chức Công đoàn: Chủ tịch Công đoàn qua các giai đoạn:
– Từ năm 2000-2005: Thầy Đinh Văn Trinh- Giáo viên
– Từ năm 2005-2010: Thầy giáo Trần Thạnh- Giáo viên
– Từ năm 2011 -2015: Anh Lê Văn Dũng- Kế toán
– Từ năm 2015- 2022: Thầy giáo Nguyễn Văn Trường
– Từ năm 2022 đến nay: Thầy giáo Phan Dương Thành
*Tổ chức Đoàn Thanh niên: Bí thư Đoàn trường qua các giai đoạn:
– Từ năm 2000 – 2001: Thầy giáo Nguyễn Thu
– Từ năm 2001 – 2003: Thầy giáo Nguyễn Văn Vinh
– Từ năm 2003 – 2006: Thầy giáo Phạm Hùng
– Từ năm 2006 – 2007: Thầy giáo Nguyễn Văn Vinh
– Từ năm 2007 – 2013: Thầy giáo Phan Dương Thành
– Từ năm 2013 – 2014: Cô giáo Đinh Thị Thu Viên
– Từ năm 2014 – 2016: Thầy giáo Bùi Trần Chính
– Từ năm 2016 – 2017: Cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thành
– Từ năm 2017 – 2018: Thầy giáo Nguyễn Văn Thức
– Từ năm 2018 đến nay: Thầy giáo Nguyễn Ngọc Tiến
Cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên
* Cán bộ quản lí:
Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, Trường THPT Trần Văn Dư có sự thay đổi, bổ sung về cán bộ quản lí, giáo viên theo quyết định của Sở GDĐT Quảng Nam, trong đó:
– Từ năm 2000-2010: Thầy giáo Nguyễn Cư làm Hiệu trưởng. Năm 2010 thầy Cư được Sở GDĐT điều động về làm Hiệu trưởng Trường THPT Duy Tân-Tp.Tam Kỳ (Trường mới thành lập).
– Từ năm 2010-2020: Thầy giáo Phạm Minh Thành được điều động từ Trường THPT Bắc Trà My về làm Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Dư. Năm 2020, theo nguyện vọng, thầy Thành được Sở GDĐT điều động về làm Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, Tp.Tam Kỳ.
– Từ năm 2020 đến nay: Cô giáo Phan Thị Mỹ Thanh- Phó Hiệu trưởng được Sở GDĐT bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường.
Chân dung Hiệu trưởng Trường THPT Trần Văn Dư
![]() Thầy giáo Nguyễn Cư |
![]() Thầy giáo Phạm Minh Thành |
![]() Cô giáo Phan Thị Mỹ Thanh |
Cùng với đó, các Phó Hiệu trưởng qua các thời kì, gồm:
– Thầy giáo Nguyễn Hữu Thành: Phó hiệu trưởng từ 2000 – 2014
– Thầy giáo Hồ Minh Đích: Phó Hiệu trrưởng từ 2015 – 2021
– Thầy giáo Phan Văn Hùng: Phó Hiệu trrưởng từ 2017 đến 2022.
Cán bộ, giáo viên, nhân viên hầu hết được điều động từ các trường trên địa bàn Tỉnh, có chuyên môn vững vàng, số lượng đảm bảo để giảng dạy theo tỉ lệ trên lớp.
Trong thời gian qua, tuy có thay đổi về đội ngũ, song, với tinh thần trách nhiệm cao và sự tận tụy với công việc, các thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên luôn giữ ngọn lửa với nghề, vượt qua khó khăn, thử thách hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào thành tích chung và sự phát triển bền vững của nhà trường.
Tập thể HĐSP nhà trường năm học 2018-2019
Về cơ sở vật chất
Được sự quan tâm của Sở GDĐT Quảng Nam, Huyện Phú Ninh và Ban Đại diện Cha mẹ học sinh qua các năm học, Trường Trần Văn Dư đã từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu giảng dạy, học tập, hoạt động của nhà trường.
Từ năm học 2001-2002, nhà trường đã được UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng dãy nhà hành chính, hội trường và khu nhà nghỉ cho giáo viên ở xa trường. Tiếp đó, các phòng Thí nghiệm-Thực hành cũng được Sở GDĐT đầu tư xây dựng, phục vụ cho giảng dạy.
Mặt bằng phía trước cổng trường được giải tỏa, di dời thoáng đãng hơn, cầu bê tông dẫn vào cổng trường đã hoàn thiện.
Năm học 2013-2014: Sở GDĐT đầu tư thêm 2 dãy phòng học với 16 phòng) phục vụ cho dạy và học, bồi dưỡng học sinh giỏi.
Năm học 2018-2019, dãy phòng cũ xuống cấp, UBND tỉnh Quảng Nam đầu tư xây dựng dãy phòng học 3 tầng với 18 phòng, đảm bảo khang trang, thoáng mát, phục vụ tốt cho công tác dạy và học. Bên cạnh đó, các hạng mục khác cũng được nâng cấp, sửa chữa, đáp ứng yêu cầu duy trì và phát triển Trường THPT Trần Văn Dư đạt chuẩn quốc gia.
Tính đến tháng 8/2022, nhà trường có 14 ti vi bố trí ở phòng học, hệ thống camera được lắp đặt ở khu hiệu bộ và tất cả các phòng học.
Hoạt động dạy và học
Những ngày đầu còn thiếu thốn, hoàn cảnh, điều kiện đi lại của giáo viên gặp nhiều khó khăn nhưng tập thể Hội đồng sư phạm Trường THPT Trần Văn Dư đã đoàn kết, vượt khó, dẫu bộn bề, nhưng dưới sự chỉ đạo của Cấp ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã quyết tâm chỉ đạo các tổ bộ môn, các tổ chức đoàn thể triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh trong việc giáo dục toàn diện. Tập trung huy động mọi nguồn lực từ các cấp, các ngành để đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu phát triển của nhà trường.
Ban Giám hiệu tiến hành xây dựng kế hoạch chiến lược và các kế hoạch chi tiết hàng năm, chỉ đạo giảng dạy chính khóa, hoạt động ngoại khóa và các hoạt động giáo dục khác nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục và đào tạo. Đó chính là sản phẩm của quá trình lao động cật lực từ những tế bào nhỏ lẻ trong ngành giáo dục, trong đó phải kể đến sự hòa điệu của thầy-trò trường THPT Trần Văn Dư. Dù gặp bất cứ hoàn cảnh nào nhưng dưới sự chỉ đạo của Cấp ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã quyết tâm chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể trong nhà trường thực hiện tốt phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” và đã gặt hái được những thành tích rất đáng trân trọng. Nổi bật nhất là em Trương Minh Hoàng đỗ thủ khoa trường Đại học Đà Nẵng năm học 2007-2008. Nhiều năm liền trường có học sinh đạt giải nhất trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp Tỉnh.
Học sinh
Qui mô học sinh và số lớp:
Năm học đầu tiên chỉ có 407 em với 08 lớp; những năm liền kề sau đó, số học sinh tăng dần, đến năm học 2003-2004 số học sinh đã tăng lên đến 1.282 em với 28 lớp; từ năm học 2005-2006 đến năm học 2020-2021 số học sinh đều đạt số lượng cao với hơn 1000 học sinh, số lượng luôn đạttừ 30-35 lớp (riêng năm học 2011-2012 có đến 1.660 học sinh, với 35 lớp). Dù điều kiện còn khó khăn, song, nhiều học sinh đã vươn lên trong học tập và rèn luyện. Các năm học đầu tiên đã có những gương mặt tiêu biểu, đó là:
– Năm học 2000-2001: Có 03 học sinh đạt giải cấp tỉnh: Em Phan Thị Thanh Truyền-Lớp 10/5 đạt giải Ba; em Võ Đình Sơn-Lớp 10/3 và em Bùi Nguyên Vũ-Lớp 10/3 đạt giải Khuyến khích.
– Năm học 2001-2002: Số học sinh đạt giải tăng lên 11 giải và các năm học sau này đều có học sinh đạt giải cao, số lượng và chất lượng giải được nâng lên rõ nét. Đơn cử như:
+ Năm học 2007-2008: Em Trần Minh Hoàng đỗ thủ khoa Đại học Đà Nẵng được UBND tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen và vinh danh.
+ Năm học 2014-2015: Em Tăng Thị Bích Hạnh đoạt giải Nhất cuộc thi hùng biện “Câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật” do Sở GDĐT tổ chức.
+ Năm học 2021-2022: Tại cuộc thi Học trò xứ Quảng năm 2021 do Sở GDĐT và Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam tổ chức, Em Lê Thanh Bản đã vượt qua xuất sắc ở các cuộc thi tháng, thi quý để có mặt tại cuộc thi Chung kết cấp tỉnh và đạt Ba chung cuộc.
– Nhiều năm, học sinh đỗ tốt nghiệp đều đạt tỷ lệ cao (bằng hoặc trên mặt bằng chung của tỉnh). Đặc biệt, năm học 2021-2022, điểm thi tốt nghiệp của Trường THPT Trần Văn Dư đạt ở tốp 15 trường có điểm cao của tỉnh.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nổi bật trong các hoạt động giảng dạy là phong trào phụ đạo miễn phí cho học sinh trái buổi. Các môn Toán, Lý, Hóa, Anh văn đã được nhà trường thực hiện từ năm học 2000-2001. Thầy Hiệu trưởng là người đi đầu trong phong trào này, đã trực tiếp giảng dạy môn Toán khối lớp 10, Thầy quan tâm, động viên học sinh đi học phụ đạo trái buổi để củng cố kiến thức, nâng cao phương pháp giải bài tập. Tinh thần nhiệt huyết của Thầy đã truyền cảm hứng, động lực đến tập thể Hội đồng sư phạm.
Theo đó, đã có những giáo viên tiêu biểu trong phong trào dạy học miễn phí cho học sinh. Đây là phong trào được thầy cô giáo hưởng ứng tích cực, những năm học tiếp theo sau này cũng được duy trì và tiếp tục phát huy. Từ hoạt động dạy học miễn phí (phụ đạo), cán bộ, giáo viên, nhân viên của Trường đã hình thành nhóm công tác Thiện nguyện. Đồng hành với phong trào trên, phải nhắc đến các thầy cô giáo, Ban Giám hiệu đã có những việc làm thiết thực, làm tốt công tác tư tưởng, qua đó bảo vệ, chăm lo cho các em từ trang phục, ăn ở… Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn quyên góp áo quần cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Từ những việc làm đầy nhân văn nêu trên, Trường THPT Trần Văn Dư đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vào năm học 2010-2011. Thầy giáo Nguyễn Hữu Thành- Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng được vinh dự đại diện nhà trường ra Hà Nội nhận Bằng khen về “Học tập và làm tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Những năm sau này, việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn được phát huy tốt; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí minh được gắn với đặc thù của ngành qua thực hiện các cuộc vận động: “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Hàng năm, nhà trường cùng Nhóm Thiện nguyện đã huy động nguồn xã hội hóa trao học bổng, quà tết cho học sinh, ước tính 30 triệu đồng/năm. Qua triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị đã xuất hiện các tập thể và nhiều cá nhân tiêu biểu được các cấp vinh danh, khen thưởng, tạo sự chuyển biến tích cực trong đơn vị. Thể hiện rõ nét đó là:
– Trong công việc: nhiều cán bộ, nhà giáo, nhân viên đã tận tuỵ, chịu khó, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với tinh thần “làm hết việc chứ không hết giờ”; tham mưu tích cực cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị. Về lề lối làm việc: đã đầu tư thời gian cho công việc, ý thức cao trong thực hiện chức trách nhiệm vụ. Trong sinh hoạt cơ quan, đơn vị: đã thể hiện tính gương mẫu, tiên phong, nghiêm túc tự phê bình và phê bình trên tinh thần đồng chí, đồng nghiệp.
KẾ THỪA VÀ PHÁT HUY THÀNH QUẢ
Tiếp nối truyền thống nhà trường, thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sự chỉ đạo của ngành Giáo dục, đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giáo viên phải không ngừng nỗ lực, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới. Điều này, đặt ra tiếp tục cho Chi bộ, Ban Giám hiệu cùng tập thể HĐSP những thử thách mới. Song, với quyết tâm và tinh thần lao động nghiêm túc, nhà trường đã đạt được nhiều thành quả đáng trân trọng như đã nêu trên.Năm học 2017- 2018 nhà trường đã tập trung xây dựng Đề án xây dựng Trường THPT Trần Văn Dư đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm 2018. Vai trò, vị trí của nhà trường luôn được phát huy tốt; đội ngũ nhà giáo, nhân viên thể hiện rõ năng lực, tâm huyết, trí tuệ, sự đoàn kết xây dựngtập thể Hội đồng sư phạm vững mạnh. Từ đó, đã đồng tâm phấn đấu, đổi mới mạnh mẽ trong công tác quản lí, giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn… Mỗi cá nhân dù ở vị trí công việc nào đều có những việc làm tích cực, cụ thể hóa việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” nhằm nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ với tinh thần tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự phát triển bền vững của nhà trường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đặt ra và đến nay đã đem lại kết quả rất đáng tự hào.
Trường THPT Trần Văn Dư đã trải qua một chặng đường đầy khó khăn, thử thách nhưng cũng hết sức vẻ vang. Đây là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của nhà trường. Chặng đường mới đang ở phía trước đầy hứa hẹn. Với tinh thần đoàn kết, tâm huyết với nghề, các thế hệ thầy và trò nhà trường tin tưởng Trường Trần Văn Dư sẽ vươn tới những tầm cao mới, mãi mãi là điểm sáng giáo dục trên quê hương Phú Ninh anh hùng, hiếu học./.
TRƯỜNG THPT TRẦN VĂN DƯ
———–Tháng 9 năm 2022—————–