BÀI TUYÊN TRUYỀN KỸ NĂNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI – BÃO LŨ
1. MỘT SỐ THIÊN TAI THƯỜNG GẶP Ở VIỆT NAM
Tùy theo vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của mỗi nước mà có những thiên tai khác nhau. Có thể điểm qua một số thiên tai thường gặp ở nước ta như sau:
1.1 Bão
Là trạng thái khí quyển có nhiều biến động mang tính cực đoan. Một cơn bão hình thành từ vùng áp thấp nhiệt đới, rồi chuyển sang áp thấp nhiệt đới, tới bão nhiệt đới và đỉnh cao là siêu bão. Ở nước ta bão xuất hiện đi kèm với mưa lớn, gió mạnh, giông lốc, trung bình mỗi năm có từ 7 – 8 cơn bão có năm lên tới 11 – 12 cơn bão. Bão thường đỗ bộ trực tiếp vào các tỉnh duyên hải Bắc và Nam Trung Bộ, hứng chịu bão nhiều nhất là các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Định gây thiệt hại lớn về kinh tế và đời sống người dân.
Bão thường kèm theo lốc xoáy, nó phát triển từ một cơn giông rất mạnh, nó được sinh ra từ một dãi gió giật mạnh xoáy hình chôn ốc thành một ống hút khổng lồ gọi là vòi rồng, nó hút tất cả mọi thứ nơi chúng đi qua. Ở VN lốc xoáy thường xuất hiện ở mức độ cao nhưng cường độ không mạnh giống như ở các nước thường xuyên có lốc xoáy.
1.2 Ngập lụt
Hiện nay, vùng chịu lụt úng nghiêm trọng nhất là vùng châu thổ sông hồng do diện mưa bão rộng, lũ lụt tập trung trong các hệ thống sông lớn, mặt đất thấp, xung quanh lại có đê sông, đê biển bao bọc. Mật độ xây dựng cao cũng làm cho mức độ ngập lụt nghiêm trọng hơn. Ngập lụt ở đồng bằng sông Cửu Long không chỉ do mưa lớn gây ra mà còn do triều cường; vì vậy, khi tiến hành tiêu nước chống ngập lụt cần tính đến làm các công trình thoát lũ và ngăn thủy triều. Ngập lụt gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế và đời sống sinh hoạt của người dân ở hai đồng bằng trên. Còn tại Trung Bộ, nhiều vùng trũng ở Bắc Trung Bộ và đồng bằng hạ lưu các sông lớn ở Nam Trung Bộ cũng bị ngập lụt mạnh vào các tháng 9, 10 do mưa bão lớn, nước biển dâng và lũ từ nguồn về.
2. HỌC SINH VÀ CÁC KỸ NĂNG PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI – BÃO LŨ
Thiên tai là những thảm hoạ bất ngờ do thiên nhiên gây ra cho con người ở một địa phương, một vùng, một đất nước, một khu vực hoặc cho toàn thế giới.
Trước thực trạng thiên tai ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp, các em học sinh cần ghi nhớ một số kỹ năng phòng chống khi gặp thiên tai như sau:
1. Cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng như mục thông tin về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các thông báo từ chính quyền.
2. Nếu không có người lớn bên cạnh khi có thiên tai, cần biết tìm đến nơi trú ẩn an toàn, biết gọi người lớn khi gặp nguy hiểm.
3. Khi có mưa bão, sấm sét, không được chơi ngoài trời, không tắm mưa, không được trú dưới gốc cây to, cột điện, …
4. Khi xảy ra mưa lũ (như thời điểm này đang có nhiều cảnh báo về tình hình mưa lũ ở địa phương), các em cần đực biệt lưu ý:
– Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tình hình mưa lũ tại nơi mình đang sống để chủ động đối phó.
– Không được rời xa người lớn, tránh xa những vũng nước, biết giữ gìn vệ sinh cá nhân, không sử dụng nước ô nhiễm…
– Cùng gia đình chuẩn bị thuyền, phao, bè, mảng, vật nổi; gia cố nhà làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà để ở tạm, cất giữ đồ đạc đề phòng lũ tiếp tục lên cao.
– Bảo vệ nguồn nước; dự trữ nước uống lương thực, thực phẩm, thuốc men, để đủ dùng ít nhất trong 7 ngày
– Tìm hiểu độ cao của khu nhà của mình đang ở để xác định mức lũ dự báo có khả năng ảnh hưởng đến ngôi nhà của mình hay không.
– Di chuyển cầu dao chính hoặc hộp cầu chì, aptomat và đồng hồ đo điện cao hơn mức lũ được xác định.
– Di chuyển các thiết bị và vật dụng có giá trị ra khỏi các khu vực dễ bị ngập lụt như các tầng thấp hoặc tầng hầm.
– Tìm hiểu cách ngắt điện, gas và nước trong tòa nhà mình ở.
– Chủ động sơ tán khỏi vùng bãi sông, vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
– Lưu giữ các số điện thoại và địa chỉ liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.
Để “Xây dựng khả năng chống chịu và thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu”, mỗi học sinh là một tác nhân tích cực của sự thay đổi và đóng vai trò cầu nối để truyền đạt thông tin, kiến thức và kỹ năng cho các bạn, phụ huynh và cộng đồng nơi các em sinh sống theo những cách thức hiệu quả, góp phần phòng, chống thiên tai để nó không trở thành thảm họa của mỗi chúng ta. Mỗi HS cần trang bị và rèn các kỹ năng tự bảo vệ mình cũng như trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho gia đình và xã hội.
– Nguồn : Sưu tầm trên Internet-